Vùng sản xuất lúa - rươi hữu cơ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.
Sau khi phê duyệt Đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn TP Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP Hải Phòng đã có kế hoạch để triển khai Đề án với 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp trọng tâm.
Tại kế hoạch này, UBND TP Hải Phòng xác định đến năm 2030, địa phương sẽ hình thành 97 vùng canh tác hữu cơ với diện tích 980ha. Trong đó, chia theo đối tượng cây trồng, sản xuất lúa hữu cơ có 43 vùng với diện tích 616ha, sản xuất rau hữu cơ có 32 vùng với diện tích 213ha, còn lại là sản xuất cây ăn quả với 22 vùng, tổng diện tích 151ha.
Chia theo các địa phương, huyện Tiên Lãng sẽ có 13 vùng sản xuất hữu cơ, huyện Thuỷ Nguyên có 15 vùng, huyện Vĩnh Bảo có 34 vùng, huyện An Lão có 16 vùng, huyện An Dương có 9 vùng, huyện Kiến Thuỵ có 8 vùng và huyện Cát Hải có 1 vùng.
Với vùng sản xuất lúa hữu cơ, diện tích tối thiểu sẽ từ 10ha trở lên mới được quy hoạch thành 1 vùng sản xuất; vùng sản xuất rau hữu cơ và cây ăn quả hữu cơ ít nhất là 3ha/vùng.
UBND TP Hải Phòng xác định, sản phẩm trồng trọt hữu cơ chủ lực được chia thành 3 nhóm gồm cây lúa, rau và cây ăn quả. Đây là các sản phẩm trồng trọt chủ lực của Thành phố, có tiềm năng phát triển quy mô lớn và có thể liên kết tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa.
Với cây lúa, chủ lực sẽ là các giống lúa thuần, lúa lai thơm, năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận như TBR225, Hương Biển 3, lúa Cosi, RVT, Thái Xuyên, BC15, nếp cái hoa vàng, nếp xoắn Tân Trào…
Với rau, củ, chủ lực sẽ gồm xà lách trứng, xà lách cuộn Đằng Lâm, dưa chuột Kỳ Sơn, cải tàu Kiến Quốc, cải xanh Phượng Vũ, cà chua múi Ngọ Dương, hành tỏi Vinh Quang… Với cây ăn quả, chủ lực gồm na Liên Khê, cam Gia Luận, bưởi Lâm Động, táo Bàng La, ổi lê Đài Loan, thanh long ruột đỏ, chuối...
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, xác định vùng canh tác hữu cơ nhằm mục tiêu thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Đồng thời giúp phát triển sản xuất các loại cây trồng có thế mạnh của Thành phố theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng sản phẩm trồng trọt, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và quốc tế.
Quan điểm của kế hoạch canh tác hữu cơ giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030 của TP Hải Phòng là phát triển sản xuất phù hợp với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu kinh tế của Thành phố và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Việc phát triển sản xuất hữu cơ sẽ khai thác hiệu quả và phát huy được lợi thế đặc thù của các điều kiện về tự nhiên - kinh tế - xã hội của các địa phương, tối đa hóa lợi thế của các cây trồng bản địa, đặc hữu, đặc sản, có khả năng cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người sản xuất và người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Diện ttrồng trọt hữu cơ tiềm năng trên địa bàn TP Hải Phòng được xác định hiện nay là 3.200ha, trong đó sản xuất lúa hữu cơ 1.900ha, sản xuất rau màu hữu cơ 805ha và vùng trồng cây ăn quả hữu cơ 495ha. Trong số diện tích tiềm năng, nhiều nhất là huyện Vĩnh Bảo với tiềm năng là 1.535ha, sau đó là Thủy Nguyên với 490ha, huyện Tiên Lãng với 480ha, ít nhất là quận Dương Kinh với tiềm năng chỉ có 20ha.